TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN NGÀNH MARKETING
Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tại tăng cường, Internet vạn vật,… đang diễn ra nhanh và làm thay đổi mọi mặt đời sống con người. Sự phát triển của nó tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động marketing nói riêng của doanh nghiệp. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ thúc đẩy chuyển dịch từ Marketign 4P sang Marketing 4C (đồng sáng tạo - Co-creation, định giá linh hoạt - Currency, cộng đồng - Community và thảo luận - Conversation)
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ giai đoạn phát triển công nghiệp lớn lần thứ tư trên thế giới kể từ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đầu thế kỷ 18. CMCN 4.0 là ứng dụng công nghệ cao dựa trên ba trụ cột là công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. CMCN 4.0 là sự tiếp nối của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó và sẽ tạo ra một thế giới siêu kết nối dựa trên nền tảng công nghệ cao, làm cho vạn vật trở nên có nhân tính và tối ưu hơn. Trong cuốn “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” [1], giáo sư Klaus Schwab cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn giữa của CMCN 4.0. Nó đã và đang làm thay đổi cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Nó tác động lên đời sống con người mạnh mẽ theo cấp số nhân chứ không phải theo cấp số cộng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 làm đảo lộn, phá vỡ các ngành sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại các mối quan hệ và chuyển đổi các hình thức sản xuất kinh doanh truyền thống.
Gắn liền với các cuộc cách mạng công nghiệp, các học giả sử dụng thuật ngữ Marketing 1.0, Marketing 2.0, Marketing 3.0 và Marketing 4.0 để mô tả sự phát triển của marketing trong từng thời kỳ. Trong đó, Marketing 1.0 diễn ra trong bối cảnh CMCN 1.0 với mục đích chính là tìm các biện pháp để tiêu thụ được nhiều sản phẩm sản xuất ra. Giai đoạn Marketing 2.0 diễn ra khi khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ và mục tiêu của doanh nghiệp là định vị thị trường hiệu quả, thỏa mãn và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng. Giai đoạn Marketing 3.0, doanh nghiệp hướng tới giá trị tinh thần mà khách hàng tin tưởng, theo đuổi, và giải quyết các vấn đề xã hội cũng như các giá trị nhận văn. Marketing 4.0 là hình thức tiếp thị trong đó sự tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng được thực hiên thông qua cả hoạt động trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật số hiện đại. Theo Philip Kotler và cộng sự [2], Marketing 4.0 thúc đẩy chuyển dịch từ marketing 4P (sản phẩm - Product, giá cả - Price, phân phối - Place và xúc tiến hỗn hợp – Promotion) sang marketing 4C (đồng sáng tạo - Co-creation, định giá linh hoạt - Currency, cộng đồng - Community và thảo luận - Conversation).
“Đồng sáng tạo” có nghĩa là khách hàng cùng tham gia vào việc tạo ra giá trị với doanh nghiệp thông qua chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm trên các cộng đồng người sử dụng sản phẩm (còn gọi là cộng đồng thương hiệu). Bộ phận marketing của doanh nghiệp có thể chọn lọc các thông tin hữu ích này để cải tiến, phát triển sản phẩm phù hợp với khách hàng với chi phí thấp. “Định giá linh hoạt” nghĩa là giá cả có thể thay đổi theo nhu cầu thị trường từng thời điểm cụ thể hoặc đối tượng khách hàng. Ví dụ mô hình định giá của các ứng dụng gọi xe lúc cao điểm, thấp điểm và chính sách giảm giá giành cho các khách hàng trung thành hoặc thu hút khách hàng mới. “Cộng đồng” nghĩa là doanh nghiệp tạo lập cộng đồng những khách hàng, những người sử dụng sản phẩm để chia sẻ thông tin liên quan đến sản phẩm, tăng tương tác với khách hàng hoặc lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía khách hàng để cải tiến sản phẩm hoặc phương thức phục vụ. Cộng đồng này hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao lòng trung thành của khách hàng đồng thời thu hút thêm khách hàng mới. “Thảo luận” có nghĩa là khách hàng trong cộng đồng thương hiệu tương tác, thảo luận và chia sẻ những trải nghiệm về sản phẩm, cách thức sử dụng sản phẩm. Đây là kênh truyền thông miễn phí và hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy ý định mua hàng, gia tăng sự hài lòng, và lòng trung thành của khách hàng thông qua đó thúc đẩy marketing truyền miệng (viral marketing).
Như vậy, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ và tạo ra một số xu hướng với ngành marketing. Thứ nhất, xu hướng áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động marketing (công nghệ thực tế ảo, mạng xã hội). Thứ hai, xu hướng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động nghiên cứu thị trường, hiểu rõ về nhu cầu và hành vi của khách hàng (vận dụng dữ liệu lớn trong việc nhận biết khách hàng đang ở đai đoạn nào trong phễu Marketing 4.0 - nhận biết (Awareness), tương tác (Engagement), khám phá (Discovery), mua hàng (Purchase) và tiếp tục mua hàng (Retention). Thứ ba, xu hướng thay đổi trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới nhanh hơn và hiệu quả hơn (vận dụng công nghệ in 3D trong thiết kế sản phẩm mới). Thứ tư, xu hướng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số cho hoạt động truyền thông hiệu quả hơn (quảng cáo hiển thị). Những xu hướng này có ảnh hưởng mạnh mẽ và đòi hỏi các cơ sở đào tạo ngành marketing phải có sự thay đổi cho phù hợp. Thứ nhất, cập nhật các kiến thức mới để xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn kinh doanh và thị trường lao động. Thứ hai, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao chất lượng sinh viên ngành marketing. Thứ ba, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để thiết kế chương trình đào tạo với các học phần phù hợp.
Tóm lại, CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh và thay đổi toàn diện ngành marketing. CMCN 4.0 mang đến những cơ hội và lợi ích to lớn nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức mới cho doanh nghiệp. Nó đòi hỏi doanh nghiệp cũng như những người làm marketing phải hiể biết sâu sắc hơn về bản chất, vai trò và phương thức vận dụng vào hoạt động kinh doanh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Danh mục tài liệu tham khảo
[1]. K. Schwab, The fourth industrial revolution: Currency, 2017.
Thứ Năm, 13:31 05/12/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.