Cán bộ & Giảng viên

NGƯỜI GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM CHUYÊN TRÁCH CÓ TÂM

Giáo viên chủ nhiệm tại trường đại học là những người đại diện cho nhà trường thực hiện việc quản lý sinh viên theo học tại các lớp, mỗi trường đại học có cách thức tổ chức khác nhau cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (như: giảng viên trực tiếp giảng dạy kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm, hoặc giáo vụ kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm, ….). Nhưng tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm là những chuyên viên chuyên trách. Trong quá trình triển khai hình thức tổ chức mới mẻ này, Nhà trường đã thu được nhiều bài học kinh nghiệp quý giá, giúp cho hoạt động tổ chức, quản lý lớp học ngày một chuyên nghiệp, hiệu quả. Về phía giáo viên chủ nghiệm chuyên trách (GVCNCT) để thành công trong nghề, rất cần sự tâm huyết với sinh viên. Chữ “Tâm” của GVCNCT phải xuất phát từ lòng yêu nghề, gần gũi, động viên, chia sẻ với sinh viên.

….Có lòng yêu nghề

Để làm tốt bất cứ một cộng việc gì, dù ở lĩnh vực ngành nghề nào thì bạn cũng cần phải có lòng yêu nghề. Khi đó có sự đam mê trong công việc, chúng ta mới nỗ lực khắc phục mọi khó khăn vất vả để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất. GVCNCT cũng vậy, nếu không yêu thích công việc của mình thì bản thân khó mà có thể truyền tải, chia sẻ thông tin, quan tâm đến các bạn sinh viên của mình. Một khi đã tâm huyết với nghề, GVCNCT sẽ quan tâm đến các em sinh viên bằng cả tình thương và trách nhiệm của bản thân. Đó là sự ân cần, đó là thái độ phục vụ, là sự cảm thông với các em sinh viên mà xuất phát từ sự yêu thích công việc của cá nhân chúng ta chứ không phải vì một lý do nào khác.

GVCNCT không chỉ làm việc hành chính mà thường xuyên phải làm việc ngoài giờ. Thông qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin, GVCNCT vẫn giải đáp những ý kiến thắc mắc cho sinh viên như về thời gian đăng ký học kỳ, về bảo hiểm y tế, về xét học bổng, thủ tục hoãn thi khi gặp sự cố sức khỏe,… Những công việc đó đã được triển khai trên lớp, nhưng một số sinh viên không để ý hoặc xem nhẹ, chỉ khi nào liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình thì các em mới tìm đến GVCNCT. Những lúc như vậy, GVCNCT lại ân cần hướng dẫn, nhắc nhở. Không chỉ có vậy, GVCNCT còn thường xuyên đồng hành cùng sinh viên với những hoạt động ngoại khóa cuối tuần…

…Thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ

Nhiệm vụ chính của GVCNCT là công tác tổ chức lớp học, quản lý sinh viên, là cầu nối giữa sinh viên với nhà trường, giữa nhà trường với phụ huynh: GVCNCT thường xuyên đôn đốc nhắc nhở sinh viên thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ sinh viên, như: Hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp với Nhà trường; Triển khai các thông báo của khoa và Nhà trường đến sinh viên; Nhắc nhở sinh viên thực hiện tốt các nội quy quy định của Nhà trường, thường xuyên đưa ra một số ví dụ điển hình về sinh viên vi phạm để làm gương cho các em khác rút kinh nghiệm tránh những trường hợp vi phạm không đáng có; Việc liên hệ với phụ huynh của sinh viên cũng là việc hàng ngày của GVCNCT. Bình quân mỗi GVCNCT phụ trách 1.400 sinh viên, trong số đó có không ít sinh viên bị cảnh báo do kết quả học tập yếu trong kỳ, hay sinh viên vi phạm kỷ luật bị nhà trường xử lý, sinh viên gặp sự cố sức khỏe, bên cạnh đó có nhiều phụ huynh quan tâm muốn tìm hiểu về tình hình học tập, sinh hoạt của con em mình,...Những lúc như vậy GVCNCT đều phải kịp thời liên hệ với gia đình, thông báo cho phụ huynh của sinh viên biết và phối hợp xử lý kịp thời, động viên, nhắc nhở các em để không tái lặp những sai phạm cũ.

…Luôn quan tâm đến sinh viên.

Trách nhiệm của GVCNCT là quản lý sinh viên, hỗ trợ Nhà trường trong công tác đào tạo nhằm tạo điều kiện giúp sinh viên học tập, công tác thuận lợi nhất. Chính vì vậy, mọi việc làm, mọi hành động của GVCNCT có “Tâm” luôn hướng đến đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các em được tốt nhất. Chẳng hạn, thông quan kênh hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp, những hội thảo định hướng việc làm, thông tin tuyển dụng, cấp học bổng cho sinh viên,... GVCNCT phải nắm bắt rõ thông tin rồi nhanh chóng triển khai thông tin đến sinh viên, hướng dẫn sinh viên thực hiện theo yêu cầu.

Thông qua các kênh thông tin, GVCNCT hàng ngày phải nắm bắt tình hình lớp học, lớp hôm nay có học tập như bình thường không, hoạt động giảng dạy của giảng viên có diễn ra theo kế hoạch, tiến độ của Nhà trường hay không? Có sinh viên nào nghỉ học dài ngày? GVCNCT thông báo kịp thời tình hình lớp học cho Lãnh đạo khoa và Nhà trường biết giải quyết.

Với chức năng quản lý từ 20 - 25 lớp học (tương đương mỗi GVCNCT phụ trách khoảng 1.400 sinh viên), phải gánh vác nhiều công việc hơn, nhưng sự quan tâm đối với sinh viên vẫn luôn luôn là điều cần thiết, bởi vì chỉ cần một chút sao nhãng, thiếu sót có thể sự cố sẽ xảy ra. Một GVCNCT có “Tâm” với nghề sẽ luôn quan tâm, sát sao đến sinh viên của mình. Thông qua các lớp trưởng, giảng viên giảng dạy, dữ liệu trên đại học điện tử, GVCNCT sẽ theo dõi ý thức của sinh viên, tình hình học tập, sự phấn đấu, nỗi lực của từng sinh viên. Với những trường hợp sinh viên cá biệt, biểu hiện tiêu cực, GVCNCT tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có biện pháp giúp đỡ, lời khuyên hay giải đáp vướng mắc kịp thời. GVCNCT nắm bắt tình hình học tập, hoàn cảnh của sinh viên, từ đó đề xuất với Khoa, với Nhà trường về việc khen thưởng hay hỗ trợ học bổng cho sinh viên khó khăn.

…Gần gũi, chia sẽ với sinh viên

Thực tế, một số GVCNCT có quan điểm nghiêm khắc và giữ khoảng cách với sinh viên một cách hơi “quá”, vô tình tự tạo cho sinh viên một thói quen e ngại, cảm giác sợ sệt khi giao tiếp với GVCNCT. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà GVCNCT dễ dãi với sinh viên, mà có lúc vẫn phải có khoản cách nhất định của mình, nói cách khác là “cương nhu tùy lúc”.

GVCNCT sẽ không ít lần gặp phải trường hợp sinh viên bị sa sút trong chuyện học hành do bế tắc trong chuyện tình cảm, những lúc như vậy, GVCNCT nên có động thái gặp trực tiếp và sẻ chia, đặt vai trò của mình như một người anh, người chị, thậm chí là người trong cuộc để tâm sự rồi động viên sinh viên, giúp sinh viên định hướng lại cuộc sống và học; Không những vậy, GVCNCT nên thường xuyên phối hợp với Cố vấn học tập tổ chức hoạt động chia sẻ kinh nghiệm học tập sao cho đạt hiệu quả.

…Mong muốn các em được phát triển trong tương lai

GVCNCT cũng giống như thầy/cô giảng dạy khác đều mong muốn sinh của mình sớm trưởng thành, thành người có ích cho xã hội. Vì lẽ đó, ngoài những kiến thức được trang bị trên giảng đường, GVCNCT thường xuyên khuyến khích sinh viên các hoạt động ngoại khóa, như: Tọa đàm hướng nghiệp, các buổi chia sẽ kinh nghiệm của các giám đốc doanh nghiệp, chương trình tư vấn định hướng phát triển nghề nghiệp, tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động Đoàn thanh niên – Hội sinh viên, qua đó trau dồi, trang bị thêm các kỹ năng, kiến thức và thái độ giúp cho hành trang lập nghiệp.

Mặc dù, GVCNCT là người không trực tiếp giảng dạy kiến thức chuyên môn cho sinh viên. Nhưng với phần trách nhiệm của mình cộng với chữ “Tâm” trong nghề, GVCNCT cần hết mình hỗ trợ sinh viên để các em có những năm tháng sinh viên đầy ý nghĩa tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tiếp thêm động lực cho các em trên bước đường tương lai phía trước.

Nội dung đã đưa khác: